Ngày 26/03/2024, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương tổ chức thành công Khoá đào tạo: “Tập huấn Tiêu chuẩn VietFarm” và Lớp “TOT về Xây dựng năng lực cho cán bộ địa phương về giám sát và cải tiến phương pháp canh tác” trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản thực phẩm và tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất nhỏ tại Việt Nam (Giai đoạn 2) do Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid) hỗ trợ.
Khoá đào tạo có sự tham gia của hơn 50 học viên đến từ các hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Kinh Môn và các cán bộ, chuyên viên của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương.
Tại khoá tập huấn, các đơn vị Hợp tác xã và cán bộ chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kinh Môn đã được nâng cao hiểu biết về Hệ thống Tiêu chuẩn VietFarm – một hệ thống Tiêu chuẩn tự nguyện bền vững áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi đối với người sản xuất nhỏ tại Việt Nam. Mười giá trị cốt lõi đã được giảng viên và học viên cùng phân tích, tìm hiểu để thấy được định hướng phát triển mới cho nông sản tại Việt Nam nói chung và huyện Kinh Môn nói riêng. Bộ tiêu chuẩn đã nhấn mạnh việc hướng tới Chất lượng – Trách nhiệm – Công bằng – Bền vững, là các yếu tố cốt lõi nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm nông sản đạt chuẩn về Chất lượng, môi trường, xã hội và hài hoà với đạo đức kinh doanh. Tại đây, HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng do ông Nguyễn Văn Thuấn làm giám đốc đã đăng ký cho hợp tác xã thí điểm tiêu chuẩn VietFarm cho sản phẩm nho sữa trên địa bàn xã Bạch Đằng của mình.
Các chuyên đề đào tạo về giám sát thực hành sản xuất nông nghiệp thông qua phần mềm EGAP đã giúp học viên hiểu rõ và phân biệt mã QR truy xuất thông tin và QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng như việc thực hành ghi chép nhật ký điện tử được tích hợp trên phần mềm này.
Các phương pháp cải tiến trong canh tác được giảng viên nêu rõ thông qua các ví dụ minh hoạ thực tế và cùng học viên thực hành Nhân bản sinh khối chế phẩm EM và Trichoderma, cũng như các loại nấm đối kháng nhằm ứng dụng trong phòng trừ dịch bệnh trên cây theo phương thức hữu cơ, giảm thiểu hoá chất độc hại.
Kết thúc khoá đào tạo, học viên rất phấn khởi vì đã được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích. Trong thời gian tới, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) dự kiến vẫn tiếp tục đồng hành cùng Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Kinh Môn và các Hợp tác xã nhằm xây dựng huyện trở thành đơn vị kiểu mẫu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật Ứng dụng vi sinh trong sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại chỗ, nhằm giảm tác hại của phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật thương mại.
Vietfarm- Tự hào nông sản Việt
© 2018 - Vietfarm.Org.vn
Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng |